Phụ cấp lưu động của công chức, viên chức tăng mạnh từ 01/7/2020

22/04/2020

Tiếp nối hàng loạt bài viết về các khoản phụ cấp của công chức, viên chức, dưới đây là chi tiết mức hưởng phụ cấp lưu động mới nhất của các đối tượng này.

Các đối tượng được hưởng phụ cấp lưu động

Khoản 6 Điều 6 Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ quy định, phụ cấp lưu động áp dụng với công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.

Phụ cấp lưu động của công chức, viên chức tăng mạnh từ 01/7/2020

Theo đó, công chức, viên chức kể cả đang tập sự nếu đáp ứng các điều kiện sau thì sẽ được hưởng phụ cấp lưu động:

- Thuộc biên chế trả lương của các cơ quan Nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Do tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc mà phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở; có điều kiện sinh hoạt không ổn định.

Cụ thể, tại khoản 2 Mục II Thông tư 06/2005/TT-BNV, các đối tượng sau đây sẽ được hưởng phụ cấp lưu động:

Nhóm 1

- Tổ, đội công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh phòng dịch, sinh đẻ có kế hoạch, sốt rét, bướu cổ ở vùng trung du;

- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, làm nhiệm vụ xóa mù chữ và phổ cập giáo dục (trong 01 tháng có từ 15 ngày trở lên đi đến các thôn, bản, phum, sóc);

Nhóm 2

- Tổ, đội khoan, thăm dò thuộc các liên đoàn địa chất;

- Tổ, đội khảo sát, tìm kiếm thuộc liên đoàn địa chất khu vực;

- Tổ, đội khảo sát, đo đạc khí tượng thủy văn;

- Tổ, đội điều tra, đo đạc nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản;

- Tổ, đội chống dịch bệnh, vệ sinh phòng dịch, sinh đẻ có kế hoạch, sốt rét, bướu cổ ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, nơi xa xôi hẻo lánh;

- Tổ, đội thường xuyên tăng cường đi xã, thôn, bản ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, nơi xa xôi hẻo lánh để khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân nơi đó.

Nhóm 3

- Tổ, đội khảo sát, tìm kiếm khoáng sản thuộc liên đoàn địa chất chuyên đề;

- Tổ, đội khảo sát, đo đạc xây dựng hệ thống điểm đo đạc cơ sở quốc gia, hệ thống điểm đo đạc cơ sở chuyên dùng, đo đạc địa hình;

- Tổ, đội khảo sát, điều tra rừng;

- Tổ điều tra, sưu tầm dược liệu quý, hiếm ở các miền núi cao, biên giới, hải đảo, nơi xa xôi, hẻo lánh.

Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, công chức, viên chức không phân biệt biên chế hay tập sự đều được hưởng phụ cấp lưu động.

 
Mức phụ cấp và cách tính phụ cấp lưu động mới nhất

Hiện nay, theo quy định của Nghị định 204 và Thông tư 06/2005/TT-BNV, phụ cấp lưu động vẫn được tính căn cứ vào mức lương cơ sở. Theo đó, công thức tính mức hưởng phụ cấp lưu động là:

Phụ cấp lưu động = Hệ số x Mức lương cơ sở

Trong đó:

Hệ số: Gồm 03 mức lần lượt là:

- Hệ số 0,2 tương ứng với những người làm việc ở các đơn vị thuộc nhóm 1 (Đã nêu ở trên);

- Hệ số 0,4 tương ứng với những người làm việc ở các đơn vị thuộc nhóm 2 (Đã nêu ở trên);

- Hệ số 0,6 tương ứng với những người làm việc ở các đơn vị thuộc nhóm 3 (Đã nêu ở trên);

Mức lương cơ sở

- Căn cứ vào Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương cơ sở hiện đang được áp dụng từ nay đến 30/6/2020 là 1,49 triệu đồng/tháng;

- Ngày 12/11/2019, Nghị quyết 86 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 được thông qua có điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Thời gian áp dụng từ 01/7/2020.


Một số lưu ý, mức phụ cấp lưu động này:

- Được tính trả theo số ngày thực tế lưu động;

- Được trả cùng kỳ lương hàng tháng;

- Không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;

- Các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp lưu động thì không hưởng chế độ công tác phí.

Như vậy, tùy vào từng đối tượng công chức, viên chức mà có mức hưởng phụ cấp lưu động khác nhau. Đặc biệt, công chức, viên chức dù mới chỉ tập sự nhưng nếu thuộc các đối tượng đã nêu ở trên thì vẫn được hưởng.

Tin cùng chuyên mụcTin cùng chuyên mục