Có công chứng chưa hẳn yên tâm

06/02/2021

Văn bản công chứng vẫn có thể bị hủy trong rất nhiều trường hợp, từ mua bán đất đến chia di sản thừa kế...

Mới đây, bà Đ.T.H (SN 1959) khởi kiện một văn phòng công chứng (VPCC) trên địa bàn quận 1, TP HCM về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Ngoài sai sót từ Văn phòng công chứng, nguyên đơn cũng thừa nhận sơ suất dẫn đến việc đưa nhau ra tòa. Có thể nói đây là trường hợp hy hữu khi đương sự nhận di sản thừa kế, rồi tự khởi kiện yêu cầu tòa án hủy văn bản phân chia di sản.

Văn phòng công chứng bỏ sót hợp đồng thừa kế

Theo đó, cha mẹ bà Đ.T.H qua đời để lại một căn nhà ở trung tâm TP HCM. Bốn người con có quyền thừa kế căn nhà, trong đó có nguyên đơn. Sau đó, bà H. cùng ông Đ.V.L (anh bà H.) làm tờ tường trình về quan hệ nhân thân, nộp hồ sơ khai nhận và phân chia di sản thừa kế tại VPCC. Tuy nhiên, họ không khai thông tin về 2 đồng thừa kế còn lại. Năm 2018, VPCC chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Cụ thể, ông L. tặng đồng thừa kế - bà H. - toàn bộ phần thừa kế thuộc về ông và bà H. đồng ý nhận thêm phần di sản ông L. tặng. Không lâu sau, bà H. nhận ra việc bà bỏ qua thông tin về 2 thành viên còn lại trong gia đình không những khiến họ chịu thiệt mà còn là việc làm trái pháp luật. Do đó, bà H. khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản thỏa thuận phân chia di sản nói trên vô hiệu vì bỏ sót người thừa kế theo pháp luật.

Có công chứng chưa hẳn yên tâm

Xử sơ thẩm vụ án "Tranh chấp về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu", TAND quận 1 chấp nhận yêu cầu khởi kiện nguyên đơn đưa ra. "Khi tiếp nhận hồ sơ, phía bị đơn không yêu cầu bà H. và ông L. nộp bản sao hộ khẩu hoặc xác minh qua cơ quan có thẩm quyền việc căn nhà do cha mẹ nguyên đơn để lại có những ai trong hộ khẩu; mối quan hệ giữa chủ tài sản với những người khác có tên trong hộ khẩu… Như vậy, bị đơn không làm hết trách nhiệm khi không hề xác định người thừa kế theo luật" - chủ tọa phiên tòa chỉ rõ.

Công chứng khi chủ tài sản không có mặt

Một VPCC trên địa bàn quận 3, TP HCM từng là bị đơn trong vụ kiện "Tranh chấp tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu". Nguyên đơn trong vụ việc kể trên là bà N.T.X, chủ sở hữu một căn nhà ở quận 6, TP HCM từ năm 2011. Cuối năm 2017, bà X. bàng hoàng phát hiện giấy tờ nhà bà đang giữ là giấy tờ giả. Do từng đưa rất nhiều người hỏi mua nhà xem giấy tờ gốc nên bà không rõ ai đã tráo giấy tờ nên lập tức làm đơn cớ mất giấy tờ sở hữu đối với căn nhà.

Đến năm 2018, bà X. nộp hồ sơ xin cấp lại giấy tờ sở hữu hợp pháp đối với tài sản. Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 6 trả lời tạm thời chưa xem xét mà chuyển hồ sơ sang Công an quận 6 giải quyết. Thực ra, căn nhà đã sang tên, đổi chủ từ lâu. Chủ sở hữu mới trên giấy tờ nhà cho biết họ ký hợp đồng chuyển nhượng tại VPCC ở quận 3 và đã giao đủ 2 tỷ đồng như thỏa thuận mua bán trong hợp đồng.

Tại tòa, VPCC này (bị đơn) trình bày CMND và giấy tờ nhà mà người bán mang đến VPCC đều là bản chính. Khi công chứng, VPCC có kiểm tra toàn bộ giấy tờ do hai bên cung cấp bằng máy. Kết quả, giấy tờ đầy đủ, hợp lệ. Bên cạnh đó, trang thông tin Sở Tư pháp TP HCM không có thông tin ngăn chặn đối với tài sản. Vì vậy, VPCC đã làm thủ tục sang nhượng.

Có công chứng chưa hẳn yên tâm

Trong khi đó, nguyên đơn quả quyết chưa hề ký hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng hay có bất kỳ giao dịch nào liên quan đến căn nhà. CMND và hộ khẩu bản chính vẫn giữ. Nguyên đơn yêu cầu TAND quận 3 hủy hợp đồng công chứng chuyển nhượng căn nhà do bà làm chủ sở hữu hợp pháp.

Cơ quan công an xác minh chữ ký và dấu vân tay trên hợp đồng mua bán ký tại VPCC không phải của nguyên đơn. Tòa sơ thẩm kết luận việc giả mạo chữ ký, chữ viết bà X. để xác lập giao dịch hợp đồng là vi phạm điều cấm của pháp luật. Vì vậy, hợp đồng chuyển nhượng ký tại VPCC là vô hiệu.

Căn cứ bản án, nếu muốn đòi quyền lợi, người bỏ tiền tỷ mua căn nhà trên từ kẻ lừa đảo có thể phải khởi kiện VPCC bằng một vụ kiện khác hoặc chờ kết quả điều tra vụ án lừa đảo. Đáng nói là trường hợp trên xuất hiện ngày càng nhiều ở TP HCM.

18 năm tù vì làm giả con dấu và lừa đảo

Cần tiền trả nợ, Trần Nguyễn Như Thùy (SN 1969), Lê Văn Ngọc (SN 1977), Trần Ngọc Thủy (SN 1969) và Nguyễn Văn Phúc (SN 1973) thông đồng làm giả nhiều giấy tờ (giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất; sổ hộ khẩu; giấy đăng ký kết hôn...) rồi đem thế chấp vay tiền, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Xử sơ thẩm, TAND TP HCM tuyên phạt Thùy 18 năm tù, Ngọc 15 năm 6 tháng tù cùng về 2 tội: "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Thủy 1 năm tù và Phúc 3 năm 6 tháng tù cùng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

>>> Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/co-cong-chung-chua-han-yen-tam-20200902214008604.htm

Tin cùng chuyên mụcTin cùng chuyên mục